Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững; nhấn mạnh ưu tiên xây dựng một xã hội toàn diện, công bằng, tự cường, không ai bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam tái khẳng định cam kết mạnh mẽ thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững; nhấn mạnh ưu tiên xây dựng một xã hội toàn diện, công bằng, tự cường, không ai bị bỏ lại phía sau.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: TTXVN phát)
Từ ngày 5-14/2, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) diễn ra Khóa họp lần thứ 62 Ủy ban Phát triển Xã hội (CsocD) với chủ đề “Thúc đẩy phát triển và công bằng xã hội thông qua chính sách xã hội nhằm tăng tốc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và đạt được mục tiêu xóa nghèo.”
Khóa họp có sự tham dự của đại diện các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế liên quan.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, tại khóa họp, nhiều ý kiến nhận định tiến trình thúc đẩy phát triển và công bằng xã hội đang chịu tác động không nhỏ của các thách thức toàn cầu như xung đột, biến đổi khí hậu, bất ổn kinh tế…
Tình hình này cho thấy cần đẩy mạnh nỗ lực quốc gia và quốc tế trong việc tăng cường cung cấp các dịch vụ xã hội cốt lõi, hỗ trợ an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục chất lượng cao với mức chi phí phù hợp cho tất cả người dân.
Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN phát)
Phát biểu tại phiên họp ngày 12/2, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên của Việt Nam là xây dựng một xã hội toàn diện, công bằng, tự cường, không ai bị bỏ lại phía sau.
Trên cơ sở định hướng đó, Việt Nam đã triển khai hàng loạt chính sách về giáo dục, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhờ đó đạt được các thành tựu cụ thể như đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 giảm từ 9,2% xuống 4,3%, tăng thu nhập bình quân hộ nghèo 230% so với cùng kỳ, đưa tỷ lệ người dân biết chữ và trẻ em đi học đúng tuổi lên trên 90%.
Về môi trường, Việt Nam cam kết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, kiên trì thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đặc biệt là với việc tham gia và thực thi Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Đại diện Việt Nam đánh giá việc thực hiện mục tiêu phát triển và công bằng xã hội còn đối mặt với nhiều thách thức do hạn chế về nguồn lực. Điều này đòi hỏi cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển như Việt Nam nhằm thúc đẩy mục tiêu chung về phát triển và công bằng xã hội.
Ủy ban Phát triển Xã hội (CSocD) được thành lập năm 1946 với chức năng tham mưu cho Hội đồng Kinh tế-Xã hội (ECOSOC) của Liên hợp quốc về chính sách xã hội tổng thể, đặc biệt trong các lĩnh vực xã hội ngoài phạm vi chuyên trách của các cơ quan chuyên môn Liên hợp quốc.
Từ năm 1995, CSocD trở thành cơ quan then chốt của Liên hợp quốc phụ trách và theo dõi việc thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động của Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Phát triển xã hội Copenhagen 1995.
Từ năm 2006, CSocD bắt đầu chọn chủ đề cho các kỳ họp định kỳ vào tháng Hai hằng năm tại New York. CSocD hiện có 46 thành viên, được bầu theo số lượng phân bổ cho từng khu vực với nhiệm kỳ 4 năm./.